Yuga Labs “lao đao” với cáo buộc “mở bán chứng khoán chưa đăng ký”

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC) bắt đầu điều tra Yuga Labs với cáo buộc việc mở bán token APE và NFT đất đai trong Otherside là “mở bán chứng khoán chưa đăng ký”.

Nghe những từ này bạn có thấy “quen quen” không? Đó là tin tức báo chí thường thấy trong suốt lịch sử tiền mã hóa, khi SEC nhiều lần cáo buộc cả ETH lẫn XRP là chứng khoán.

Tác giả đã có bài viết phân tích về trường hợp của Ethereum 2.0, các bạn có thể đọc lại để hiểu rõ hơn về The Howey Test – khái niệm xuyên suốt trong các thảo luận về phân loại một crypto nào đó là chứng khoán.

Lần này, trường hợp của Yuga Labs đặc biệt hơn, vì đây là studio NFT và đối tượng mà SEC nhắm đến là các NFT trong thế giới metaverse. Do vậy, vụ việc Yuga Labs đang được cộng đồng crypto lẫn giới luật sư vô cùng quan tâm, vì NFT là đối tượng mà SEC muốn đưa vào khuôn khổ chứng khoán.

Các đối tượng liên quan

The Howey Test

Cơ sở để SEC phân loại một token dự án có là chứng khoán hay không.

Yuga Labs

Công ty chuyên về web3 và NFT, là nhà sáng tạo nên bộ sưu tập NFT Bored Ape Yacht Club. Hiện đang là chủ sở hữu của các bộ sưu tập BAYC, CryptoPunks, Meebits và dự án metaverse Otherside. Đặt mục tiêu xây dựng một Yugaverse từ các dự án này.

Bored Ape Yacht Club (BAYC)

Bộ sưu tập NFT gồm những chú khỉ tạo hình ấn tượng, đã tạo nên tên tuổi cho Yuga Labs. Ban đầu chỉ là những bức ảnh đại diện (PFP) độc lạ, BAYC đã vươn mình trở thành một “định nghĩa” NFT với cộng đồng rộng khắp và hàng loạt dự án phái sinh.

ApeCoin (APE)

Ban đầu được tạo ra để trở thành đồng token đại diện cho NFT BAYC. Nhưng cùng với độ hype ngày càng tăng của những chú khỉ, hệ sinh thái mở rộng, tính năng của APE cũng ngày càng nhiều.

Hiện tại, APE đóng vai trò vừa là token quản trị (governance token) lẫn token tiện ích (utility token) trong hệ sinh thái BAYC.

APE được dùng để:

– Quản trị: APE holder có thể tham gia vào ApeCoin DAO, bỏ phiếu, bình chọn cho các đề xuất trong DAO.

– Tiêu dùng: APE là đồng tiền chi trả cho các hoạt động trong hệ sinh thái APE. Bạn muốn mua NFT, giao dịch hay mua sắm các hàng hóa liên quan đều cần đến APE. Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý rằng người dùng vẫn phải trả phí gas là ETH vì APE là token ERC-20.

– Quyền truy cập: Người sở hữu APE có quyền truy cập vào các sản phẩm khác trong hệ sinh thái BAYC như game, phim ảnh, quà tặng hiện vật,…

Otherside

Dự án metaverse xây dựng trên nền tảng BAYC. Hiện có bản demo game nhận được nhiều lời khen ngợi. Trong thế giới metaverse này, các NFT Ape sẽ trở thành nhân vật của người chơi, còn token APE đóng vai trò là tiền tệ trong game.

Otherdeed

Otherdeed là tên của các mảnh đất đai trong thế giới Otherside. NFT đất đai (land NFT) trở thành “đặc sản” của các dự án metaverse, tạo nên cơn hype khi sở hữu bất động sản “ảo” trong thế giới giả tưởng.

Đợt mở bán NFT đất này đã làm cộng đồng dậy sóng, dẫn đến làm tắc nghẽn cả mạng lưới Ethereum. Và cũng là đối tượng chính trong cáo buộc của SEC.

The Howey Test cho NFT đất của Otherside

Một khoản đầu tư bằng tiền?

Rõ ràng việc mua các mảnh đất Otherdeed là khoản đầu tư bằng tiền. Tại thời điểm mở bán, một mảnh đất trị giá 305 APE, tương đương khoảng 5.000 USD.

Yuga Labs mở bán tổng cộng 55.000 mảnh đất, thu về hơn 300 triệu USD. Từ đó ghi danh là “đợt mở bán NFT đất lớn nhất lịch sử”.

Đầu tư vào một doanh nghiệp chung?

Điều này cũng hoàn toàn hiển nhiên. Với 55.000 mảnh NFT, ít nhất có hàng ngàn người sở hữu. Tất cả mọi người đều kỳ vọng vào một mô hình chung là thế giới metaverse của Otherside.

Kỳ vọng lợi nhuận từ khoản đầu tư?

Rất rõ ràng. Người mua NFT kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai. Họ kỳ vọng vào sự thành công của Otherside, từ đó đẩy giá NFT lên cao. “Mua thấp bán cao” hệt như với chứng khoán thông thường.

Lợi nhuận đó đến từ nỗ lực của tổ chức mở bán khoản đầu tư?

Quả thật như vậy. Người mua và sở hữu NFT Otherdeed kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của Otherside, hay nói đúng hơn là chiến lược phát triển của Yuga Labs.

Thế giới của Otherside hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay của Yuga Labs, họ muốn xây dựng gì cho dự án, khi nào ra mắt, gồm những tính năng nào. Và hướng phát triển của Otherside sẽ tác động đến giá của NFT, từ đó tác động đến lợi nhuận của nhà đầu tư.

Nói dễ hiểu thì nếu bây giờ Yuga Labs tuyên bố không phát triển Otherside nữa, “đem con bỏ chợ”, thì giá NFT chắc chắn sẽ “về mo”. Ngược lại, nếu Yuga Labs tuyên bố dùng 300 triệu USD mở bán đất tái đầu tư toàn bộ vào Otherside, thì giá NFT cũng chắc chắn tăng mạnh.

Nếu còn thấy khó hiểu đoạn này, thì chúng ta xem xét một ví dụ khác. Chắc hẳn ai cũng biết về độ hot của CryptoPunks. Người nắm giữ NFT punk cũng kỳ vọng về lợi nhuận (dĩ nhiên có một nhóm người chỉ vì mục đích sưu tầm), nhưng lợi nhuận này đến từ bản thân tính độc đáo của dự án.

CryptoPunks là bộ sưu tập NFT đời đầu, có giá trị sưu tầm rất cao và với tình hình thị trường NFT hiện tại, thì thời gian càng lâu các punk càng có giá. Yuga Labs dù sở hữu bản quyền của bộ sưu tập này, nhưng không có vai trò phát triển, tăng thêm tính năng, xây dựng thêm thế giới gì cả. Bản thân CryptoPunks không cần xây dựng hệ sinh thái xung quanh như BAYC cũng vẫn giữ được độ hot như hiện tại.

Và dĩ nhiên, sẽ không có chuyện Yuga Labs tuyên bố không phát triển CryptoPunks nữa vì hiện tại cũng có cần phát triển gì đâu.

Như vậy, cả 4 định nghĩa của The Howey Test đều thỏa mãn, nên các nhà phân tích cho rằng Yuga Labs đang đứng trước nguy cơ rất cao sẽ bị SEC “tuýt còi”.

Trong trường hợp đó, không chỉ Yuga Labs hay dự án Otherside bị “réo tên” mà cả những người đang nắm giữ NFT cũng không tránh khỏi hệ lụy.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu NFT bị phân loại là “chứng khoán”?

Dĩ nhiên những điều trên chỉ là lập luận của một số nhà phân tích. SEC mới tỏ động thái là đang điều tra chứ chưa hề kết luận gì. Nên dĩ nhiên Yuga Labs hiện tại vẫn hoạt động hợp pháp.

Nhưng thảo luận này nhằm dẫn đến một vấn đề quan trọng hơn: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu NFT bị xếp loại là chứng khoán?

Đối với Yuga Labs

Yuga Labs sẽ bị SEC cáo buộc là thực hiện “mở bán chứng khoán chưa qua đăng ký”. Và sẽ bị phạt tiền theo luật chứng khoán. Nếu việc bị phạt tiền không quá quan trọng, thì tình huống tiếp theo mới quan trọng nè.

Đối với các marketplace niêm yết NFT

NFT Otherdeed đang được bán trên nhiều marketplace, mà nổi bật nhất là OpenSea.

Một khi NFT bị xếp loại là chứng khoán, SEC sẽ bắt buộc OpenSea hủy niêm yết vì OpenSea không có quyền mở giao dịch chứng khoán. Nếu các nền tảng marketplace này không làm theo yêu cầu từ SEC, sẽ bị cáo buộc là “vi phạm luật chứng khoán liên bang”.

Từ đó sẽ khó hoạt động ở Mỹ, một trong những thị trường quan trọng nhất trong ngành.

Đối với nhà đầu tư và sở hữu NFT

Nghe có vẻ thì người mua NFT là “người bị hại” trong câu chuyện này. Khi mua NFT, chúng ta không rõ việc đó là chứng khoán nên sẽ không phải là đối tượng mà SEC nhắm đến.

Nhưng hãy nghĩ đến một khi Yuga Labs bị phạt, NFT bị tuyên án là chứng khoán và phải delist hết trên các nền tảng. Vậy giá NFT sẽ như thế nào? Dump không phanh!

Khó mà tưởng tượng giá NFT sẽ giảm đến cỡ nào, nhưng thua lỗ đó chỉ có nhà đầu tư phải chịu. Không ai có thể “bù lỗ” hay đền bù thiệt hại cho chúng ta được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *